Siết chặt quản lý khai thác nguồn nước dưới mặt đất

  13/05/2021

Công nhân Công ty cổ phần cấp nước Gia Định hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan gia đình trên địa bàn quận Gò Vấp.

Trong lộ trình triển khai kế hoạch giảm khai thác nước dưới mặt đất đến năm 2025 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố đề ra mục tiêu năm 2021 sẽ giảm khai thác nước dưới mặt đất hơn 16.600 m3/ngày. Đây là nỗ lực nhằm giảm hệ lụy do việc khai thác nước dưới mặt đất quá mức trong những năm qua.

Từ đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh chính thức công bố hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân trên địa bàn được cung ứng nước sạch. Ðây là nỗ lực rất lớn của thành phố nhằm chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cùng với đó là giảm tình trạng người dân khai thác, sử dụng nguồn nước dưới mặt đất để sử dụng trong ăn uống, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, do những tiện ích khi sử dụng nước dưới mặt đất như nguồn nước luôn dồi dào, khoan giếng nước đơn giản, chi phí rẻ (chỉ tốn tiền điện vận hành máy bơm) nên nhiều cá nhân, đơn vị vẫn lựa chọn hình thức này.

Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 100.000 giếng khoan lớn, nhỏ, phần lớn là của các hộ gia đình, khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX – KCN) và khu vực ngoài KCX – KCN nhưng không phải hộ dân với lượng nước khai thác gần 700.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống cùng với việc triển khai trám lấp các giếng khoan của các đơn vị cấp nước sạch. Tuy nhiên, việc giảm nhanh các giếng khoan cũng không phải dễ dàng nếu người dân chưa đồng lòng ủng hộ. Nhiều gia đình vẫn muốn để lại giếng khoan, dự phòng khi nguồn nước sạch không ổn định. Nhiều cơ sở sản xuất, dịch vụ vẫn thường xuyên sử dụng nguồn nước ngầm tràn lan vì giá rẻ. Tìm hiểu các trang website quảng cáo về dịch vụ khoan giếng trên in-tơ-nét, dễ dàng liên hệ được những cơ sở khoan giếng giá rẻ, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, website: khoangiengmiennam.com có phần tư vấn rất chi tiết cho khách hàng từng quận, huyện khi muốn khoan giếng gia đình hay khoan giếng công nghiệp. Tại khu vực phường Linh Ðông, TP Thủ Ðức, đơn vị cung cấp dịch vụ này báo giá thực hiện một giếng khoan bảo đảm có nước dùng được là sáu triệu đồng…

Theo đánh giá của Bộ TN và MT, việc khai thác nước dưới mặt đất quá mức là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng sụt lún tại một số nơi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Ðây là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình là 4 cm/năm, cá biệt có nơi đến 7 cm/năm. Nhiều khu vực tại các quận: Bình Tân, Bình Thạnh, quận 7; các huyện Nhà Bè, Bình Chánh đều ghi nhận mức sụt lún đáng báo động. Ngoài ra, người dân còn chịu ảnh hưởng không nhỏ về sức khỏe khi sử dụng nguồn nước giếng khoan tự khai thác. Theo đánh giá của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, phần lớn các mẫu nước giếng khoan của các hộ dân đều không đạt chất lượng, không đạt độ pH, có hàm lượng amoni cao, có mẫu nhiễm vi sinh.

Ngày 1-3 vừa qua, Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất năm 2021. Kế hoạch này nằm trong lộ trình triển khai Quyết định số 1242/QÐ-UBND ngày 30-3-2018 của UBND thành phố Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, dự kiến đến cuối năm 2025, tổng lưu lượng khai thác nước dưới mặt đất trên địa bàn thành phố còn 100.000 m3/ngày. Theo kế hoạch năm 2021, dự kiến thành phố giảm khai thác 16.650 m3/ngày. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình giảm 8.000 m3/ngày; trong KCX – KCN giảm 1.650 m3/ngày; bên ngoài KCX – KCN giảm 3.000 m3/ngày; của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên giảm 4.000 m3/ngày…

Theo Giám đốc Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, để thực hiện được mục tiêu trên, thành phố thực hiện đồng bộ dừng cấp phép mới, dừng gia hạn giấy phép, giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất các công trình hiện hữu của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 167/2018/NÐ-CP ngày 26-12-2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức dừng khai thác, sử dụng nước dưới đất; trám lấp giếng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra. Ðẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước đến người dân, doanh nghiệp; quy định về thuế tài nguyên nước, phí cấp quyền khai thác cho các mục đích sử dụng nước; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khi được cấp phép khai thác; quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước. Ðồng thời, hoàn chỉnh Ðề án chính sách hỗ trợ trám lấp giếng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố trình UBND thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Thành phố cũng thực hiện dừng cấp phép, giảm lưu lượng khai thác 74 công trình với tổng lưu lượng giảm khai thác 8.650 m3/ngày; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác không phép. Ðối với các trường hợp giấy phép còn thời hạn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, các nghĩa vụ nêu trong giấy phép. Trong quá trình triển khai thực hiện rất cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân để bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường chung của thành phố.

Nguồn: nhandan.com.vn

Chia sẻ:
×

FanPage

Aquaculture Vietnam